Tin tức





image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bảo Lạc – “níu chân” du khách với nét văn hóa đặc sắc

Lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của bà con các dân tộc

Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 130 km, Bảo Lạc - huyện biên giới phía Tây của tỉnh Cao Bằng đang trở thành điểm nhấn mới của du lịch Cao Bằng. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng để phát triển và khai thác nhiều loại hình dịch vụ - du lịch như: Du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm; du lịch mạo hiểm; du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng.

Bảo Lạc có bà con 7 dân tộc chính cùng chung sống là Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh đã mang đến nhiều nét văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc màu của các dân tộc vùng cao ghi đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm, cùng tham dự các lễ hội truyền thống: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông…Các làn điệu dân ca, dân vũ; các nghề thủ công truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn… là tiền đề cho việc phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện.

anh tin bai

Cuộc thi làm bánh Nhúa Pỉa tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông ở xã Hồng An

Bảo Lạc có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường), Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu (xã Hồng An), chùa Vân An, miếu Quan Đế (thị trấn Bảo Lạc)…

anh tin bai

Dinh thự dòng họ Nông ở thị trấn Bảo Lạc

Chị Nguyễn Thu Yên, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Chị rất thích thú khi được hòa mình vào những phiên chợ của đồng bào. Bởi những phiên chợ không chỉ là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào DTTS nơi đây.

Chợ tình Phong Lưu của Bảo Lạc đã có từ xa xưa và mỗi năm chỉ họp 2 lần vào ngày 30/3 và 15/8 (âm lịch). Phiên 30/3 là phiên chợ gái trai gặp gỡ, tìm hiểu, bén duyên. Phiên 15/8 là phiên hẹn hò, tặng quà và nói lời hẹn ước, được diễn ra từ hôm áp phiên từ chiều hôm trước chợ chính cho đến chính chợ. Du khách về Bảo Lạc đúng phiên chợ tình sẽ có những cảm nhận sâu sắc về tính nhân văn cùng những giá trị văn hóa và phong tục tập quán vô cùng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.   

anh tin bai

Điệu khèn người Mông tại Ngày hội văn hóa Chợ tình Phong Lưu ở thị trấn Bảo Lạc

Còn nhóm bạn trẻ Thu Trang, Cẩm Tú, Việt Anh đến từ TP Hồ Chí Minh thì bị "say" chợ phiên vùng cao Bảo Lạc bởi sức hấp dẫn riêng của phiên chợ này. Cứ năm ngày một phiên, chợ Bảo Lạc diễn vào ngày năm và ngày mười âm lịch hàng tháng. Nằm trên một con phố nhỏ giữa trung tâm thị trấn với một bên là bờ sông Gâm, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi. Đến chợ không chỉ là để mua bán mà dường như đã trở thành nhu cầu giao lưu, gặp gỡ không thể thiếu của bà con nơi đây. Ngoài việc trao đổi mua bán những sản phẩm địa phương như: bó rau rừng, cây củ rừng, sâu quả, con gà, con cá … mà còn là dịp để những người phụ nữ Mông, Dao, Lô Lô… diện những bộ váy với đủ màu sắc đến chơi chợ, gặp gỡ người thân, bạn bè...

Những đặc sản của Bảo Lạc với hương vị thơm ngon như bánh bò, khẩu sli, bánh chưng đen, thịt lợn chua, lạp sườn hun khói… níu giữ du khách khiến ai cũng phải tay xách nách mang mua về làm quà. Cứ như thế nét văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao Bảo Lạc ngày càng lan tỏa.

Chợ đêm Bảo Lạc khai trương và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2020 là một sản phẩm du lịch mới của huyện, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn và từng bước thúc đẩy phát triển du lịch. Chợ đêm Bảo Lạc kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và lĩnh vực thương mại, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến khám phá, giao lưu. thưởng thức những điệu hát Then, sli, lượn, nàng ới…tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, để phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của vùng đất này,góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, huyện xác định phải tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Do đó, thời gian qua, huyện đã tuyên truyền hướng dẫn bà con nhân dân các dân tộc bảo tồn các không gian văn hóa làng bản truyền thống, giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc như nhà sàn; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; Các nghi lễ truyền thống, nghề thủ công truyền thống và các trò chơi dân gian…để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm một số hoạt động của người dân bản địa.

Huyện sử dụng các nguồn xã hội hóa mở lớp hát then, đàn tính cho các em có độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi tại Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện. Mở 06 lớp truyền dạy tiếng dân tộc Lô Lô theo hình thức truyền khẩu; gồm các làn điệu dân ca, các bài cúng tế sử dụng trong các nghi lễ của dân tộc Lô Lô với 360 học viên là người dân tộc Lô Lô tại các xóm thuộc Hồng Trị và Cô Ba.

Thực hiện Dự án bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi khon, xã Kim Cúc huyện đã hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng trình diễn cho đội văn nghệ quần chúng dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon; lựa chọn tập luyện những bài hát, điệu múa đặc sắc để dàn dựng, hướng dẫn tập luyện, kỹ năng trình diễn cho các nghệ nhân và đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch.

anh tin bai

Toàn cảnh làng du lịch cộng đồng ở Khuổi Khon, xã Kim Cúc - không gian văn hóa làng bản truyền thống, giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc nhà sàn

Để bảo tồn văn hóa vật thể, các ngành chức năng của huyện đã mở hàng chục lớp truyền dạy nghề truyền thống của dân tộc Lô Lô tại 03 xóm: Ngàm lồm (Cô Ba); Khau Chang (Hồng Trị); Khuổi Khon (Kim Cúc). Đó là 3 lớp truyền dạy nghề đan lát truyền thống với 143 học viên và 03 lớp truyền dạy nghề thêu dệt thổ cẩm với 146 học viên. Bước đầu đã hình thành và tạo ra các sản phẩm phục vụ cho du lịch như: quần, áo, mũ, túi đựng điện thoại, vỏ gối; đồ dùng sinh hoạt, nón đội đầu của dân tộc Lô Lô.

Để phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong đầu tư cho du lịch, huyện Bảo Lạc đã xây dựng "Đề án phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2021 – 2025". Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, Đề án tập trung bảo tồn các không gian văn hóa làng, bản truyền thống: bản dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc; bản dân tộc Sán Chỉ xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà…giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc như nhà sàn; các nghi lễ truyền thống; nghề thủ công truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; các trò chơi dân gian…

Níu chân du khách với cảnh sắc hoang sơ mà tuyệt đẹp

Bảo Lạc được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp như: núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1976,7m so với mặt nước biển, đây được coi là "nóc nhà" của Cao Bằng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vô cùng kỳ vĩ. Du khách cũng sẽ đứng ngồi không yên khi được ngắm bức tranh thủy mặc trên hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường), hồ thủy điện xã Bảo Toàn. Với các bạn trẻ thích khám phá thì đã có mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi Lũng Nà (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)… Đặc biệt, dốc 15 tầng Khau Cốc Chà đang được đầu tư để trở thành một thương hiệu du lịch của Bảo Lạc, là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với miền biên viễn này.

anh tin bai

Núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1976,7m so với mặt nước biển, đây được coi là "nóc nhà" của Cao Bằng

Đèo Khau Cốc Chà nằm trên Quốc lộ 4A, dài 2,5km nhưng có tới 14 "cua tay áo", tạo thành 15 tầng dốc vô cùng hiểm trở, bám theo chiều dựng đứng của ngọn núi Cốc Trà, nối xã Xuân Trường với thị trấn Bảo Lạc - giáp biên giới Trung Quốc. Đây là một trong những con đèo hiểm trở nhất khu vực Đông Bắc Bộ. Khi chinh phục đèo Khau Cốc Trà, càng lên cao du khách càng thấy rõ sự hùng vĩ của thiên nhiên, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu hun hút. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống chúng ta có thể ngắm toàn cảnh một vùng núi non trùng điệp với các thửa ruộng bậc thang xếp hàng liên tiếp, con đèo uốn khúc mềm mại quanh sườn núi như một dải lụa khổng lồ. Những tầng đèo giống như những bậc thang dẫn lên trời.

anh tin bai

Đèo Khau Cốc Chà (xã Xuân Trường) nằm trên Quốc lộ 4A, dài 2,5km có tới 14 "cua tay áo", tạo thành 15 tầng dốc hiểm trở nhất khu vực Đông Bắc Bộ

Từ năm 2009 - 2011, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư, mở rộng cung đường Khau Cốc Chà, điều chỉnh một số đoạn hiểm trở để mở rộng mặt đường lên 5m và trải thảm nhựa. Những khúc "cua tay áo" được xẻ sâu hơn vào vách đá để lấy thêm diện tích đường nhằm bảo đảm an toàn.Từ tháng 6/2023, việc sửa chữa, nâng cấp một số đoạn tuyến của cung đường đèo Khau Cốc Chà đã chính thức khởi công. Một số điểm sạt lở hay có nguy cơ đều sẽ được xử lý, mặt đường cũng sẽ được trải nhựa lại, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong khoảng tháng 12.2023.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định cho phép đầu tư, sửa chữa, xử lý các vị trí nguy cơ mất an toàn tại đèo Khau Cốc Chà với kinh phí khoảng 39 tỉ đồng, gồm một số hạng mục chính: mở rộng tầm nhìn, thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường, bổ sung hệ thống an toàn giao thông, tạo mặt bằng tại đỉnh đèo làm điểm dừng xe kiểm tra kỹ thuật trước khi xuống đèo.

Điều thuận lợi với du khách khi đến Bảo Lạc là từ đây có Quốc lộ 4A, Quốc lộ 34 kết nối Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Bảo Lạc còn tiếp giáp với các điểm di tích lịch sử cách mạng, các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, có thể kết nối tour, tuyến du lịch: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ( huyện Hà Quảng), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Kolia ( huyện Nguyên Bình), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… Đây thực sự là những điều kiện thuận lợi để Bảo Lạc khai thác và phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ gắn với phát triển các loại hình du lịch.

Khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển du lịch

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện, từ những đề án phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng, huyện Bảo Lạc đã xây dựng chương trình phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Huyện đã chỉ đạo các ngành kinh t ế- văn hoá và các xã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch: Tăng cường nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của phát triển dịch vụ - du lịch đối với sinh kế của người dân cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghề truyền thống, phong tục truyền thống, ẩm thực để phục vụ phát triển du lịch.

Huyện và các xã khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ đề cao giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt là văn hóa của dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ…Tại các điểm du lịch, tại các xóm có dịch vụ homestay, bố trí không gian bán hàng, bán sản phẩm chế biến theo phương thức truyền thống, sản vật địa phương vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch, vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người làm du lịch, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: huyện ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch là người địa phương. Tổ chức cho đồng bào đi tham quan thực tế các địa phương có hoạt động du lịch cộng đồng phát triển để học tập kinh nghiệm kinh doanh, cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà dân và các hoạt động dịch vụ khác phục vụ khách du lịch. Nâng cao nhận thức cho người dân về thái độ ứng xử với khách du lịch, xây dựng hình ảnh "Mỗi người dân là một hướng dẫn viên" sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 23 cơ sở lưu trú (trong đó có 08 khách sạn, 03 homestay và 12 nhà nghỉ), các nhà hàng, cửa hàng giải khát, cơ sở phục vụ ăn uống có các món ăn đặc sản địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch.

anh tin bai

Mô hình du lịch Famstay tại xóm Kha Rào, xã Khánh Xuân luôn thu hút du khách nước ngoài

Để thúc đẩy phát triển dịch vụ - du lịch, huyện xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như người dân tham gia phát triển du lịch; chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở, dịch vụ lưu trú đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan; đầu tư thử nghiệm du lịch hang động tại xóm Lũng Rì, mô hình du lịch Famstay tại xóm Kha Rào, xã Khánh Xuân, du lịch lòng hồ thủy điện xã Bảo Toàn…

Để phát triển du lịch, Bảo Lạc vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 59% toàn huyện (theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm2022); mức độ tiếp cận thông tin, tuyên truyền và mức thu nhập bình quân đầu người chưa đồng đều giữa vùng thấp và vùng cao... dẫn tới vai trò của cộng đồng dân cư, của người dân trong phát triển dịch vụ - du lịch chưa được phát huy. Doanh thu từ du lịch của huyện chủ yếu từ dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống ở trung tâm huyện. Việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở cho các điểm du lịch còn khó khăn, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú. Tiềm năng, lợi thế du lịch chưa thực sự được phát huy, bước đầu du lịch có bước phát triển nhưng chưa bền vững.

Thời gian tới, huyện Bảo Lạc tiếp tục có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 30.000 lượt khách du lịch, trong đó 20.000 lượt khách nội địa, 10.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 10 tỷ đồng. Có 50 cơ sở lưu trú, trong đó có từ 10 - 15 khách sạn; hỗ trợ vận động nhân dân làm mô hình du lịch homestay gắn với bảo tồn không gian, kiến trúc nhà sàn và các phong tục, tập quán của dân tộc địa phương.

Nguồn: Phương Loan (https://doanhnghieptiepthi.vn/)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image