Tin tức





image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm

Anh Nông Văn Long, xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị  là một trong những thanh niên đã khởi nghiệp nhờ vay vốn từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Năm 2021, anh Long vay vốn Phòng Giao dịch NHCSXH huyện 50 triệu đồng để trồng dâu nuôi tằm. Sau 1 năm  trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2022 anh Long vay tiếp 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trồng thêm cây hồi, cây sở. Mô hình kinh tế này tạo doanh thu cho gia đình anh Long 150 triệu đồng/năm. Đến nay, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình, anh tạo việc làm ổn định cho 5 hộ gia đình tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Đặng Văn Hạn, Cơ sở chưng cất dầu hồi xóm Cốc Mòn, xã Cốc Pàng xuất thân từ gia đình trung nông, phải lao động từ nhỏ, sau khi lớn lên đi làm ở nhiều nơi. Với khát vọng vươn lên làm giàu, năm 2021 anh trở về địa phương và được Hội Nông dân xã Cốc Pàng giới thiệu nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Phòng Giao dịch NHCSXH, anh vay 100 triệu đồng với thời hạn 60 tháng mua 1 nồi chưng cất dầu hồi và các trang thiết bị khác. Qua quá trình sản xuất cơ sở đã có lãi, mang về doanh thu 100 triệu đồng/năm, ngoài trả nợ cho ngân hàng đúng theo phân kỳ thỏa thuận, phần lãi dư anh mua thêm 1 nồi chưng cất dầu sở mới, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sản phẩm được bán tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số địa phương khác. 

anh tin bai

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lạc hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Phòng Giao dịch phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay. Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Phòng Giao dịch thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng được giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 17 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Hằng tháng, NHCSXH huyện tổ chức 11 buổi giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ, tổ chức họp giao ban với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. 

 

Đến nay, Phòng Giao dịch quản lý dư nợ chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng số tiền 108 tỷ 670 triệu đồng, với 1.476 người lao động vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Giao dịch giải ngân 322 dự án cho 17 xã, thị trấn với tổng số tiền 27 tỷ 491 triệu đồng.

Song song với hoạt động triển khai giải ngân các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, NHCSXH huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, các dự án khởi nghiệp, các mô hình chăn nuôi quy mô lớn... thu hút tạo việc làm cho người lao động. 

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lạc Lê Thùy Dương nhận định: Từ chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm bằng nguồn vốn huy động góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tạo năng suất và hiệu quả cao, đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây, con hiệu quả thấp sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả kinh tế cao.

anh tin bai

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lạc giải ngân tại xã Thượng Hà.

Theo quy định hiện nay về chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm; đối với người lao động mức cho vay 100 triệu đồng/lao động, mức lãi suất 7,92%/năm và thời hạn cho vay tối đa 120 tháng; thời gian gia hạn nợ tối đa bằng thời hạn cho vay đối với các món vay từ 12 tháng trở xuống và tối đa không quá 1/2 thời hạn cho vay đối với các món vay trên 12 tháng. 

Đối tượng cho vay là cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế cao và có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. 

Để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và tiếp cận nguồn vốn. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát vốn vay, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả kịp thời nợ vay (gốc và lãi) đúng thời hạn quy định, không để phát sinh nợ quá hạn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn được triển khai kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

 

Nguồn: Tiến Mạnh (https://baocaobang.vn)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image